Trồng rau theo phương thức thủy canh bắt đầu nhen nhóm tại Lâm Đồng từ năm 2012 và đến nay phát triển khá mạnh.
Diện tích trồng rau thủy canh đang tăng mạnh tại Lâm Đồng, mối lo cung vượt cầu đang dần hiện hữu.
Giá rau trồng theo phương pháp thủy canh được thương lái thu mua tại vườn ở mức trên dưới 25.000 đồng/kg. Nhiều chủ vườn thu tiền tỷ mỗi hecta. Cơn sốt trồng rau thủy canh lan nhanh, diện tích đang tăng mạnh, mối lo cung vượt cầu đang dần hiện hữu…
Diện tích đang tăng nhanh
Xu hướng trồng rau không cần đất đang thực sự nở rộ tại Lâm Đồng, tạo ra một làn sóng làm nông bằng thủy canh. Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, hiện diện tích trồng rau thủy canh trên địa bàn tỉnh đã lên tới trên 20 ha, được trồng chủ yếu tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Các loại rau trồng thủy canh chủ yếu là rau ăn lá như lô lô, rô men, xà lách xoăn, xà lách xoong…
Phương pháp canh tác là trồng rau bằng nước. Cây rau sẽ được trồng trên giàn cao, cách ly hoàn toàn khỏi mặt đất – nơi tiềm ẩn những nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Các loại rau thủy canh đang được nông trại hợp đồng cung cấp cho siêu thị lớn, cửa hàng rau sạch và hệ thống nhà hàng, khách sạn hoặc nhắm đến đối tượng khách hàng cao cấp với mức giá bình quân từ 35.000-45.000 đồng/kg. Mô hình trồng rau thủy canh là một trong những phương thức đang được nhiều nhà vườn tại Lâm Đồng áp dụng rộng rãi dù chi phí khá cao.
Đang hồ hởi làm nhà kính, lắp đặt hệ thống, chuẩn bị trồng rau thủy canh, anh Nguyễn Văn Huệ, phường 4, TP Đà Lạt chia sẻ: Hai, ba năm nay, anh đi đến đâu cũng nghe người ta kháo nhau về mô hình rau thủy canh, siêu kinh tế, cho thu nhập tiền tỷ/ha. Sau nhiều lần cất công lặn lội đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các chủ vườn đi trước, anh quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà kính trồng rau thủy canh trên diện tích 1.000 m2.
Theo anh Huệ, không chỉ riêng anh, hiện nay rất nhiều người dân TP Đà Lạt lựa chọn mô hình này để phát triển kinh tế. Bởi trồng rau thủy canh không đòi hỏi diện tích đất sản xuất quá lớn, chỉ cần từ 500 m2 là có thể đầu tư, lại cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
Anh Tô Quang Dũng, công ty rau sạch Trường Phúc, cho biết: Chỉ tính riêng tại TP Đà Lạt, trong vòng 2 năm trở lại đây, diện tích trồng rau thủy canh đã tăng từ 3 ha lên gần 10 ha, và dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong thời gian đến.
Theo anh Dũng, so với sản xuất rau theo kiểu truyền thống, việc áp dụng mô hình thủy canh hồi lưu đối với cây rau ăn lá cho thấy cây phát triển tương đối tốt, độ đồng đều cao, tỷ lệ cây sống đạt 99%, cây phát triển nhanh hơn so với trồng ngoài đất, thời gian thu hoạch nhanh (giảm từ 13 – 18 ngày so với trồng bình thường)… Rau ăn lá canh tác theo phương pháp thủy canh hồi lưu đạt năng suất bình quân gần 200kg/100m2 (đối với xà lách), cho thu nhập trên dưới 50 triệu đồng/vụ (một năm sản xuất 8-10 vụ). Đặc biệt, với cách trồng này, cây rau không trực tiếp tiếp xúc với các loại thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm khá sạch, độ an toàn vệ sinh thực phẩm cao.
Tưởng dễ “ăn” nhưng “ăn” không dễ
Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, phương pháp thủy canh hồi lưu ưu điểm nhiều nhưng nhược điểm cũng không ít. Qua đánh giá, mô hình trồng rau thủy canh rất khó áp dụng đại trà; chất lượng của sản phẩm vẫn còn có không ít vấn đề cần xử lý. Trước hết, canh tác rau thủy canh hồi lưu là dùng môi trường nước thay cho môi trường đất nên dinh dưỡng nuôi cây trồng luôn có trong nước cùng với nhiều loại hóa chất khác. Do đó, về lâu dài, dư lượng thuốc các loại là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu. Bên cạnh đó, mùi vị của rau khá nhạt. Rau có mẫu mã rất đẹp, nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ là héo giập…
Mặc khác, theo anh Tô Quang Dũng, để có được 1.000 m2 sản xuất rau thủy canh, nông dân phải đầu tư hơn một tỷ đồng, bao gồm phần lớn các thiết bị phục vụ gieo trồng đều phải nhập từ nước ngoài như thanh đựng rau, máy bơm hút nước, các giống rau chất lượng cao, hệ thống tưới tiêu… Ngoài ra, nhà kính cũng phải đảm bảo sự thoáng mát, đúng kỹ thuật. Dù lợi nhuận có thể đạt hàng trăm triệu/năm thì ít nhất cũng phải 4-5 năm nông dân mới thu hồi vốn.
Hơn nữa, phân khúc thị trường dành cho rau thủy canh cũng còn khá hạn chế. Hiện mỗi ngày cơ sở của anh xuất đi khoảng 500 kg rau cho các siêu thị Big C, Metro, các thị trường khác vẫn đang còn bỏ ngỏ. Do đó, nếu các hộ nông dân tiếp tục mở rộng diện tích, sẽ gặp khó trong việc tìm đầu ra.
Anh Nguyễn Anh Quang, đại diện Mimoza Farm, TP Đà Lạt, cho hay: Trang trại của anh đang là đơn vị sản xuất rau sạch áp dụng công nghệ cao theo hướng thủy canh. Tuy nhiên, mức đầu tư cho quá trình sản xuất rất tốn kém, do đó, giá thành sản xuất 1 kg rau thủy canh cũng rất cao lên đến gần 25.000 đ. Vì vậy với mức sống và nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay, đa phần không thể mua nổi sau sạch sản xuất theo công nghệ này.
Ông Hoàng Sĩ Bích, Phó GĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, đa số các nông hộ canh tác rau thủy canh trên địa bàn TP Đà Lạt đã có thị trường ổn định. Tuy nhiên nếu tiếp tục mở rộng thêm diện tích canh tác cần nghiên cứu sâu hơn về thị hiếu người tiêu dùng và thị trường mục tiêu. Bởi vì hiện nay không những rau thủy canh phát triển ở Lâm Đồng mà còn phát triển tại nhiều tỉnh thành khác trong cả nước như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và rất nhiều hộ gia đình tại các thành thị trồng rau thủy canh tại nhà.
Trích báo mới