Hẳn hầu như mọi người tiếp cận với phương pháp trồng rau thủy canh đều đã biết đây là phương pháp trồng rau sạch vừa hiệu quả mà lại ít tốn công chăm sóc, được nhiều người ưa chuộng và muốn tìm hiểu hiện nay, nhất là ở những khu vực có diện tích nhỏ hẹp như thành thị, khu chung cư, hay các trang trại trồng rau thủy canh… Tuy nhiều nhiều người mới bắt đầu tìm hiểu về phương pháp trồng rau thủy canh này còn đang băn khoăn không biết nên trồng những loại rau nào dễ chăm sóc mà hiệu quả mang lại cao và phục vụ đầy đủ dinh dưỡng cho bữa ăn gia đình. Trong bài viết này vật tư thủy canh chúng tôi xin giới thiệu tới các bạn 10 loại rau thích hợp để trồng thủy canh tốt nhất hiện nay.
1. Rau cải chíp
Rau cải chíp rất dễ ăn, lại dễ trồng, có thể trồng rau cải theo phương pháp thủy canh với thùng xốp. Bạn có thể trồng bằng hạt giống hoặc có thể trồng các nhánh rau cải chíp trong một thùng nước rồi chuyển lên giàn trồng thủy canh hoặc trồng rau sạch trong thùng xốp.
2. Rau cải bó xôi
Rau cải bó xôi hay còn gọi là rau bina, có nhiều chất dinh dưỡng, có khả năng chống ung thư, chống viêm, hạn chế béo phì, tốt cho mắt và làm chắc xương. Loại rau này có thể dễ dàng trồng theo phương pháp thủy canh.
Bạn chỉ cần ngâm hạt, gieo trồng thành cây non. Khi cây có từ 4 đến 5 lá thì bạn có thể đặt cây non vào rọ nhựa thủy canh và đưa lên hệ thống giàn trồng, điều chỉnh lượng dung dịch phù hợp để cây phát triển. Sau 30 đến 35 ngày là bạn đã có thể thu hoạch được rau bina sử dụng cho bữa ăn gia đình.
3. Rau đay
Rau đay dễ trồng, thích nghi nhanh với môi trường, ít sâu bệnh nên có thể trồng quanh năm nhưng phát triển tốt nhất vào mùa hè. Không chỉ là nguyên liệu chế biến thành các món canh thơm ngon mà rau đay còn mang lại giá trị dinh dưỡng cao. Rau đay có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tẩm bổ, giải nhiệt, lợi tiêu hóa, nhuận tràng, lợi tiểu…
Rau đay cũng là loại rau rất thích hợp để trồng với phương pháp thủy canh. Để đảm bảo tính tiện dụng cao, bạn chỉ cần gieo trực tiếp hạt giống trên giá thể thủy canh, cung cấp độ ẩm vừa đủ để hạt nảy mầm. Sau đó, rau đay sẽ phát triển nhanh, xanh tốt, khi nuôi trồng trong môi trường dung dịch thủy canh với nồng độ phù hợp. Chỉ một vài bước gieo trồng đơn giản này là bạn đã có nguồn rau sạch cho bữa ăn hàng ngày
4. Rau cải xoăn
Cải xoăn Kale là loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe. Chúng có đặc tính chống lão hóa, giảm cholesterol, ngừa ung thư, giảm cân, kháng viêm, làm chắc cho xương và răng, đồng thời tăng cường hệ thống miễn dịch.
Rau cải xoăn được trồng bằng phương pháp thủy canh đem đến nguồn dinh dưỡng tối đa. Loại rau này cũng rất dễ chăm sóc. Bạn có thể trồng rau cải xoăn trong hệ thống thủy canh tĩnh hoặc thủy canh hồi lưu. Rau bina chịu được độ pH thấp từ 5.3 đến 6.8 nên dung dịch thủy canh cần phải thường xuyên được kiểm tra nồng độ dinh dưỡng. Rau cải xoăn thường rất lâu mới cho thu hoạch, thường từ 60 đến 70 ngày. Vì thế, bạn có thể trồng xen kẽ các loại rau trên cùng hệ thống để cung cấp đa dạng nguồn rau cho bữa ăn hàng ngày.
5. Rau xà lách
Rau xà lách giàu vitamin C và chất xơ, rất tốt cho cơ thể. Bạn có thể gieo trồng rau bằng cách gieo hạt mầm trực tiếp vào rọ nhựa thủy canh chứa giá thể sơ dừa hoặc đất sét nung. Sau đó, bạn chỉ cần đưa rọ trực tiếp lên giàn thủy canh và cung cấp lượng dinh dưỡng thủy canh phù hợp để rau phát triển. Thời gian đầu khi trồng xà lách thủy canh, bạn có thể điều chỉnh dung dịch ở nồng độ 500-600ppm. Nên trồng xà lách tại nơi có nhiều ánh sáng, không khí thoáng mát bởi cây rất ưa sáng. Bạn có thể trồng cây trên ban công hay sân thượng đều phù hợp.
6. Trồng rau muống
Rau muống cũng là một loại rau rất dễ trồng với phương pháp thủy canh. Trước tiên, bạn nên ngâm ủ hạt giống trong nước ấm thời gian từ 3 – 6 giờ. Sau đó, ủ hạt giống trong khăn giấy giữ ẩm trong tối để hạt nhanh nảy mầm. Sử dụng viên nén ươm hạt sẽ cho năng suát cao hơn.
Sử dụng các ly nhựa hay khay nhựa đã khui lỗ, lót một lớp giá thể bên dưới và đặt các hạt giống vừa nhú mầm lên trên. Sau đó, cho thêm một lớp giá thể mỏng lên trên, tưới nước giữ ẩm để hạt nảy thành cây. Đến khi hạt phát triển thành cây hai lá mầm thì chuyển vào các khay chứa dung dịch thủy canh để tiện cho việc chăm sóc và nuôi trồng cây.
7. Hành lá và tỏi
Hành lá và tỏi có thể trồng một cách đơn giản bằng việc ngâm gốc trong nước. Khi cây đã mọc lá thì đặt cây vào các rọ nhựa thủy canh có chứa giá thể. Có thể đặt cây trên thùng xốp hay giàn thủy canh để tiện chăm sóc cho cây phát triển, đảm bảo cây mọc đều, nhanh, năng suất.
8. Trồng rau mầm
Bạn có thể gieo hạt vào rổ, giá, khay… cùng với giá thể. Tưới nước sạch đều đặn cho cây trồng. Một ngày nên tưới nước 2 lần sáng tối cho rau mầm để cung cấp độ ẩm tốt nhất cho rau phát triển.
9. Rau dền đỏ
Rau dền đỏ là loại rau rất dễ trồng theo phương pháp thủy canh, đặc biệt chúng có nhiều Vitamin và chất xơ… Rau dền đỏ phát triển tốt nhất ở độ pH trung bình từ 6 đến 6.5, nồng độ dung dịch thủy canh từ 1260 đến 3000 ppm. Theo đó, bạn nên sử dụng bút đo pH và bút đo ppm để kiểm tra nồng độ dinh dưỡng, đảm bảo nguồn dưỡng chất ổn định cho rau trồng
Với khoảng nồng độ dung dịch trên, bạn có thể kết hợp trồng rau dền đỏ với các loại rau khác như: rau họ cải, rau bina, rau xà lách… trên hệ thống thủy canh hồi lưu, đa dạng hóa các loại rau trồng cho vườn rau sạch của gia đình.
10. Các loại rau thơm
Một số loại rau thơm như húng quế, húng bạc hà, mùi tàu cũng dễ dàng trồng theo phương pháp thủy canh. Các loại rau này, nếu trồng với số lượng ít, bạn không cần trồng trên hệ thông giàn trồng mà chỉ đơn giản là trồng trên lọ nhựa, chậu nhựa nhỏ chứa dung dịch thủy canh.
Bạn có thể sử dụng cành cây già, cắt hết lá để vào bên trong cốc nhựa. Sau từ 4 đến 5 ngày cây sẽ tiếp tục ra lá mới. Bạn có thể đặt cốc trồng rau thơm tại cửa sổ phòng bếp, vừa tiện cho việc nấu ăn lại tăng thêm tính thẩm mỹ, vẻ xanh mát cho không gian phòng.